Du học đã thay đổi mình như thế nào?
- Happy Introvert
- Jun 18, 2019
- 5 min read
Updated: Jun 19, 2021
Vậy là đã hai năm rưỡi kể từ lúc mình "chăn gối" lên đường bay sang một đất nước cách Việt Nam nửa vòng trái đất - 11.565 km để học tập. Chưa một lần một mình đi máy bay, không một người thân ở điểm đợi, và cũng không biết những điều sẽ đón chờ mình ở điểm đến. Bây giờ, mình đã là một sinh viên năm Hai, chuyên ngành Tâm Lý Học tại thành phố Toronto, Canada. Tuy đã thích nghi với môi trường quốc tế nhưng bản thân mình vẫn không ngừng thay đổi và trải nghiệm những điều mới. Đây cũng là lần đầu tiên mình ngồi lại và nhìn lại hành trình đó.
[Một xíu về hành trình của mình]
Chuyến bay đầu tiên là lúc mình vừa tròn 16 tuổi. Mình bắt đầu với chương trình phổ thông tại một thành phố nhỏ - Hamilton, cách trung tâm Toronto 45 phút đi xe ô tô. Có thể nói lúc đó trong mắt bố mẹ và bạn bè, mình là một người khá dũng cảm, vì mình không có người thân và kiến thức để có thể tự lập một mình hạn hẹp. Mình bắt đầu ở ký túc xá ở trường, sau 1 năm 4 tháng mình hoàn thành chương trình Phổ Thông và tiếp tục chuyển lên Đại Học tại thành phố Toronto, chuyên ngành mình theo đuổi là Psychology - Tâm Lí Học

SỰ TỰ TIN [Confidence]
[1] Ngày bé mình là một đứa trẻ khá nhút nhát, không hay chơi đùa và hơi bị thụ động. Vậy mà, nhờ lí tưởng mong muốn một ngày có thể thay đổi cuộc đời mình - điều đó chính là đi du học, đã khiến mình đủ động lực đi đến một nơi không người thân, bạn bè, để mình có thể hoàn thành điều mình được coi là sứ mệnh đó.
[2] Thời điểm mới qua, do sợ tiếng anh phát âm không chuẩn, không đúng ngữ pháp, mình ít nói và cũng khá lầm lì. Nhưng ở trong môi trường quốc tế khi tiếng anh là một sự bắt buộc và không có lựa chọn, nhiều tình huống khiến mình phải sự dụng hết công năng để nói tiếng anh. Và sau một thời gian, không còn nỗi sợ nào là nỗi sợ phát âm không chuẩn, hay sợ người nghe không hiểu mình nữa.
[3] Trong 6 năm học tập ở Việt Nam, chưa một lần mình đứng trước cả lớp để trình bày ý kiến cá nhân hay một đề tài nào đó, vì bản thân khá rụt rè. Vậy mà, để được điểm tốt và qua môn, lần đầu tiên mình đứng trước một tập thể để "thuyết trình", hay những buổi thảo luận, từng người một đều phải nêu lên ý kiến cá nhân. Cảm giác đầu tiên là sợ hãi, nhưng sự cởi mở và tiếp nhận ý kiến từ thầy cô và bạn bè cũng như việc lặp đi lặp lại, đã khiến điều này trở thành một thói quen của mình thay vì là một điều mình "phải làm" cho qua.
TÍNH CỘNG ĐỒNG [Community]

[1] Ở ktx cũng đồng nghĩa với việc, không gian và đời sống hằng ngày bạn không còn chia sẻ một mình hay cùng gia đình, mà là với một tập thể gồm những con người khác nhau, đến từ nhiều nơi khác nhau. Đây cũng là lúc mình học được bản thân mình không phải là "trung tâm của vũ trụ" , hiểu được và tôn trọng sự khác nhau của mỗi cá thể, mình cũng hiểu và nhận ra giá trị cùa bản thân hơn. Trở nên kỷ luật hơn vì những điều bạn làm không còn ảnh hưởng tới riêng bản thân mà còn những người xung quanh.
[2] Phương tiện đi lại chủ yếu chính là xe bus, trên những chuyến xe bus ở Canada đều có hai hàng ghế màu xanh dành cho người già, trẻ em, người dị tật và phụ nữ mang thai. Khi lên xe bus những lúc đông người, mình cũng không dành giật và tìm một chỗ ngồi cố định nữa, thay vào đó là quan sát xem xung quanh có những người nào cần được ngồi ghế hơn không. Khi xuống xe bus, cũng sẽ nói "Thank you" cho bác lái xe như một phép lịch sự tất yếu.
MỞ LÒNG VỚI MỌI NGƯỜI [OPEN TO PEOPLE AROUND]

[1] Cho dù chuyển đi bất cứ một môi trường mới, việc khó khăn nhất đối với mình chính là làm quen với những người mình chưa từng biết. Mình khá ngại trong việc bắt chuyện với những người lạ. Nhưng sau một khoảng thời gian xa nhà, thì mình đã học được cách nói chuyện với những người mình chưa từng quen biết bằng một cách đó chính là "mở lòng với mọi người", sự chân thành này giúp mình dễ dàng nhận ra những điểm chung với những người ngỡ như sẽ chẳng có một tí tẹo nào liên quan đến mình từ quốc gia, màu da và màu tóc. Dù đến từ đâu đi chăng nữa, chúng mình đều là những đứa con xa nhà và cùng có một mục tiêu học tập và thay đổi bản thân.
[2] Sự thay đổi từ Phổ Thông lên Đại Học, mình ít bạn bè hơn và quây quanh mình không còn là những học sinh/ sinh viên quốc tế nữa mà là những học sinh bản địa với nhiều đa dạng văn hóa khác nhau, việc kết bạn trở nên khó hơn. Nhưng một lần nữa, trong những lúc khó khăn, nếu mình mở lòng và sẵn sàng chia sẻ những vấn đề mình gặp phải, mình sẽ luôn nhận được sự giúp đỡ của người khác và ngược lại.
KHÔNG ĐỊNH KIẾN [NO PREJUDICE]

Đây có thể coi là một trong những sự thay đổi lớn nhất về bản thân của mình. Ở Việt Nam nới riêng, đều có những định kiến và quy chuẩn nhất định để nhận xét và đánh giá một vấn đề/ con người, thường thì nếu đi ngược lại với những quy phẩm này, chúng ta có thể bị coi là khác người, khác biệt hay bị xa lánh. Nếu mình nói lên những quan điểm của mình đi ngược lại với quy chuẩn, mình sẽ trở thành một kẻ khác biệt, và ngược lại, khi mình thấy ai đó làm những việc về bản thân họ đi ngược lại với quy chuẩn, mình cũng sẽ không dành sự tôn trọng nhất định cho họ. Nhưng chỉ sau vài tháng học tập tại nơi đắt khách quê người, mình nhận ra, không có một cá thể nào trên thế giới này là giống nhau, chúng ta chính là cá thể duy nhất được thừa kế những đặt điểm từ cha mẹ, độc nhất vô nhị, nên sự khác biệt của mỗi cá nhân chính là đặc điểm riêng biệt của họ. Mình được tự do thể hiện bản thân và ý kiến của mình, thì người khác cũng vậy. Cho nên, để được tôn trọng sự khác biệt của mình, phải hiểu rõ bản thân và bạn cũng phải tôn trọng sự khác biệt của người khác, có như thế thì chúng ta mới thoát khỏi những định kiến vô hình trong xã hội đang áp đặt lên nhau. Vì chung quy, mỗi chúng ta đều hướng về cái tốt hơn, không có một quy chuẩn nào cho sự tốt đẹp. Hoặc là nó trở nên tốt đẹp hơn, hoặc là nó trở nên tệ hơn.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình, kéo xuống đăng kí email, theo dõi mình trên các tài khoản khác để đọc được những bài viết mới và chia sẻ câu chuyện của bạn với mình nhé :)
Comments